Chiến tranh đâu chỉ diễn ra giữa các quốc gia, chiến tranh giữa các thành viên trong gia đình, trong hai nửa thiện ác tồn tại song song trong chính mỗi con người trước mỗi một quyết định mà mỗi ngày chúng ta ra hàng trăm, hàng nghìn quyết định mỗi ngày. Mỗi một quyết định xét cho cùng chỉ nằm trong hoặc là THIỆN hai là ÁC mà thôi.
Càng xa thiên nhiên, càng đông dân số, càng bị nhốt chặt lại trong những chiếc lồng, khoảng cách cá nhân càng gần với các cá nhân khác, càng bị quẳng vào một môi trường quá tải các kích thích qua các giác quan xu hướng chiến tranh nóng và chiến tranh lạnh càng xảy ra càng nhiều hơn.
Khi một ai đó cáu kỉnh, tất cả những hành vi là kết quả của sự giận dữ chúng ta nhìn thấy chỉ là bề ngoài, những gì chúng ta không nhìn thấy ví dụ như nhịp tim tăng, huyết áp tăng, các hóc môn sản xuất các hóa chất độc hại trong cơ thể tăng đang diễn ra bên trong cơ thể. Những điều bên trong mới là sự nguy hiểm cho một cơ thể sống.
Thế nhưng, từ trẻ nhỏ đến người lớn đều không được trang bị kiến thức, công cụ hay được hướng dẫn cách giữ mình luôn ở trạng thái ôn hòa trước rồi mới đến, xây dựng, duy trì, bảo vệ sự hòa bình của các mối quan hệ mà thực ra là ngày càng nhiều hơn về lượng và tỉ lệ nghịch về chất chưa kể những yêu cầu đó nhìn một cách khách quan là vượt quá độ tuổi cũng như năng lực của các em bé. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, chúng ta đòi hỏi các em bé mầm non xử lý chính xác những bài toán khó và rất nhiều bài toán như một người trưởng thành mới có thể làm được.
Hơn bao giờ hết, tầm quan trọng của thị giác – vốn đã là một giác quan chiếm đa số trong việc tiếp nhận thông tin ngày càng được nhân lên bởi các công ty quảng cáo, các chủ thể sử dụng các sản phẩm quảng cáo để kiếm lời dẫn đến nhân loại càng nhìn ra bên ngoài thay vì nhìn vào bên trong chính mình.
Số giờ mỗi con người trong xã hội hiện đại dành để chăm sóc chính mình về thể chất ngày càng ít chứ đừng nói đến chăm sóc tinh thần hay tâm hồn, số người theo dõi được nhịp thở, lắng nghe được nhịp tim chắc chẳng bao nhiêu. Vậy làm sao để tìm được sự tĩnh lặng của tâm hồn, nuôi dưỡng tâm trí, trùng xuống, mở rộng trái tim để sống văn minh và bao dung hơn? Người lớn không sống như vậy, ai sẽ làm mẫu cho trẻ nhỏ làm được những điều đó? Vậy thì kể cả khi mỗi con người có được cái gọi là nguyên liệu thô Mirror Neuron – Nơ ron thần kinh gương thì lấy gì cho trẻ nhỏ quan sát, học, hiểu rồi bắt chước?
Vì thế khi cuốn sách Giáo dục hòa bình vì trẻ thơ của tiến sỹ Daniel Jutras, một nhà giáo, một giảng viên đào tạo các nhà giáo Montessori xuất hiện bằng tiếng Việt đó thực sự là đúng thời điểm để trợ giúp các gia đình, các nhà giáo, các em bé Việt Nam. Những bài tập trong cuốn sách của thầy rất hữu ích cho tất cả mọi người vì các bài tập đến từ cả thế giới, những đất nước, những nền văn hóa và cả những xu hướng phát triển quốc tế khác nhau nữa. Một cuốn sách đại diện cho cả thế giới đa dạng ngoài kia: văn hóa, màu da, ngôn ngữ, tôn giáo và độ tuổi.
Bạn có thức dậy với nụ cười trên môi?
Cả ngày bạn luôn có nụ cười trên môi?
Bạn có đi ngủ với nụ cười trên môi?
Nếu chưa, có nghĩa là còn cần tu dưỡng, rèn luyện để đạt được. Cái gì chưa biết cũng cần phải học phải vậy không? Peace Education – Giáo dục hòa bình chưa bao giờ được dạy trong bất cứ lớp học nào ở tất cả các cấp trong hệ thống giáo dục bạn đã theo học mà. Trong khi bạn đang đọc những dòng này, trên thế giới Peace Education – Giáo dục Hòa Bình đã là một môn học trong trường đại học, bạn có thể học Thạc sỹ chuyên nghành Giáo dục Hòa Bình. Đại học Sydney đào tạo bằng Master of Peace and Conflict Studies – Thạc sỹ nghiên cứu hòa bình và xung đột.
Vậy thì bạn còn chờ gì nữa, tìm cuốn Giáo dục hòa bình vì trẻ thơ để thực hành các hoạt động vì sức khỏe của chính mình, của hòa bình nội tâm cho sức khỏe tinh thần của bạn, vì hòa bình giữa người với người xung quanh bạn. Chỉ khi các bố mẹ hòa bình, các nhà giáo hòa bình chúng ta mới có thể làm mẫu sự hòa bình cho trẻ nhỏ, những người sẽ nắm giữ tương lai của nhân loại.
Theo ý kiến cá nhân mình, đọc cuốn sách nào cũng vậy, hiểu nguyên lý để áp dụng nguyên lý và thực hành chứ không bắt chước y nguyên. Có những bài học để tham khảo bạn hãy đọc rồi tìm về nguồn gốc văn hóa, văn hóa địa phương nơi bạn sống của bạn sẽ có những hoạt động cộng đồng phục vụ hòa bình mà có thể chính bạn đã được tiếp xúc rất nhiều lần. Bản thân mình đã thấy vô cùng xúc động đến từng tế bào khi nghe cồng chiêng của người Mường. Cồng chiêng, nhạc cụ tre và những âm thanh từ thiên nhiên chắc chắn hòa bình được làm mẫu, được nuôi dưỡng trong tâm hồn những lớp người đi trước, qua những bài hát dân tộc truyền lại cho con cháu muôn đời sau. Có điều rất nhiều di sản bị thất truyền do người được nhận không đủ trình độ để nhận.
Nếu bạn đang ở vùng núi, vùng biển, những trang trại hay những khu vườn hòa mình với thiên nhiên, hãy dùng thiên nhiên là người thầy dạy hòa bình cho mình.
Đôi khi chỉ là hình ảnh một em bé mầm non nhặt cánh hoa rơi hay em bé cặm cụi ngồi khâu quần áo cho búp bê, đi ngủ cũng ôm búp bê ngủ cũng là bài học về hòa bình cho các nhà giáo đang có may mắn làm việc với trẻ nhỏ.
Maria Montessori đã nhận ra được tầm quan trọng của hòa bình với mỗi con người và với nhân loại nên giáo dục Hòa Bình đã là một phần của chương trình học Montessori thể hiện đậm nét qua các hoạt động Văn hóa ứng xử của môn học Cuộc sống thực và đặc biệt nhất là hai hoạt động: Đi trên đường kẻ và Trò chơi yên lặng khi trẻ nhỏ thực hành điều khiển cả cơ thể mình – tài sản quý giá nhất em bé có – để có thể tĩnh lặng tìm lại được sự an yên và người thầy bên trong của mình.
Maria Montessori là nhà giáo ba lần được đề cử giải Nobel Hòa Bình. Những nhà giáo Montessori tiếp tục bước trên con đường bà đã chỉ vì hòa bình cho nhân loại vì chừng nào chưa đến đích chúng ta còn bước tiếp.
B2B-Back to Basics Montessori