Số 47 Biệt thự 3, khu bán đảo Linh Đàm, Hà Nội

Biệt thự Mimosa, Khu Thảo Nguyên, Ecopark

0988051111

Số 47 Biệt thự 3, khu bán đảo Linh Đàm, Hà Nội

07 : 00 - 17 : 00 - Monday to Friday

B2B CỦA CHÚNG TÔI

HOẠT ĐỘNG MỸ THUẬT, THỦ CÔNG – TẤM GƯƠNG PHẢN CHIẾU TÂM HỒN TRẺ

 

“Con vẽ to lên! Sao vẽ bé thế?” Bà mẹ cao giọng nhắc con. Thế là cậu bé cố vẽ to lên cho vừa lòng mẹ.

“Sao mặt trời của con lại méo thế này, mặt trời phải tròn chứ.” Thế là thầy giáo cầm bút vẽ sửa lại mặt trời trên bức tranh của cậu bé tròn vành vạnh.

“Sao con lại vẽ bông hoa thế này? Vẽ dài ra chứ. Tô mỗi cánh một màu cho đẹp.”

Một hành động thuộc thói quen của người lớn tưởng là nhỏ nhưng tác hại khôn lường lên sự phát triển của trẻ nhỏ.

Tác phẩm của con trẻ là kỹ năng, kết quả, mong muốn, kỳ vọng của người khác. Thẳng thắn mà nói đó chính là sự dối trá. Người lớn làm mẫu sự dối trá. Trẻ con bắt chước sự dối trá, lấy sự dối trá làm chuẩn mực.

Người lớn vô tình tạo áp lực cho em bé phải vươn tới một thứ em bé chưa sẵn sàng, không có kỹ năng để thực hiện dẫn đến phá hỏng sự tự tin của trẻ nhỏ.

Người lớn đánh mất cơ hội để ngó vào tâm hồn của em bé xem con mình đang thực sự ở đâu và mọi chuyện có ổn không. Không hiểu làm sao mà giúp được con đây?

Người lớn đã tước mất một ngôn ngữ nghệ thuật, một kênh thông tin để trẻ thể hiện tâm hồn, kỹ năng của mình.

 

Người lớn làm hộ cho trẻ nhỏ và chúng nghĩ đấy là thành quả của mình. Người lớn làm cho trẻ ngừng cố gắng vì có cố kiểu gì cũng sẽ không hài lòng người lớn.

Người lớn vi phạm biên giới cá nhân của trẻ, đến tác phẩm sáng tạo của con mà con cũng không có quyền, không được toàn quyền, không bảo vệ được.

Đa số người lớn do được giáo dục như vậy nên đều bị tổn thương sâu sắc mà không biết, rồi chúng ta do không biết tiếp tục làm tổn thương con, cháu mình. Leave me alone – Kệ con là câu nói em bé dù ở đâu trên trái đất này cũng từng gào lên với gia đình mình. LEAVE ME ALONE – HÃY ĐỂ CON YÊN. Trẻ nhỏ gào lên như thế, và chúng bị đánh vì dám hỗn với người lớn trong khi tất cả những điều em bé muốn là bảo vệ chính mình, thiết lập biên giới của mình với mọi người xung quanh.

Trong tất cả các lớp học Montessori đều có giá mỹ thuật, thủ công với rất nhiều hoạt động nghệ thuật sử dụng các vật liệu đến từ tự nhiên, giá vẽ để giúp các em bé học một ngôn ngữ toàn cầu đó là ngôn ngữ của nghệ thuật của tâm hồn với tâm hồn. Những gì em bé khó có thể diễn đạt bằng lời sẽ thể hiện thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật.

Dưới góc độ của một nhà giáo mầm non các hoạt động nghệ thuật của con trẻ giúp chúng tôi hiểu được rất nhiều về em bé nếu em bé được vẽ tự do theo ý mình.

Em bé chọn màu gì thể hiện cảm xúc của em bé ngày hôm đó. Màu tươi sáng là em bé cảm thấy hạnh phúc. Màu tối là không vui vẻ. Màu đen thì thực sự tồi tệ. Như thế là em bé sẽ cần nhiều trợ giúp từ các nhà giáo hơn. Bố mẹ cãi nhau. Nhà có chuyện. Có sự thay đổi trong cuộc sống hàng ngày…. Đều làm em bé cảm thấy bất an và bất hạnh. Các giác quan của trẻ nhỏ thu nhận thông tin dù người lớn không nói hay cố giả vờ trước mặt con.

Em bé vẽ to hay nhỏ thể hiện sự tự tin hay không tự tin của mình. Có những em bé cả tờ giấy A4 chỉ vẽ có một góc bé tí tẹo bản thân mình trong đó. Cả trang giấy còn lại để trống. Em bé này chưa bao giờ được nhận đủ yêu thương, chưa bao giờ thấy mình quan trọng, chưa bao giờ hài lòng với chính bản thân mình vì kỳ vọng của người lớn xung quanh em cao quá hoặc thấp quá nên sự phát triển tâm hồn của em không theo kịp sự phát triển thể chất. Em bé này cần được làm thật nhiều việc từ dễ đến khó, mỗi khi em thành công, em cần được khích lệ thật nhiều. Những câu nói của các nhà giáo với con cũng khác “Con thực sự làm bác ngạc nhiên đấy.” “Úi chà chà, ai mà siêu thế?” “Con thấy không, con khỏe thế cơ mà.” “Con làm được mà, bác tin là con làm được.”để dần dần nâng em bé lên. Em bé này cũng cần được tạo một không gian với sự tự do cần thiết để xây lại mình.

Em bé vẽ nét dài hay nét ngắn, nét mềm mại khéo léo hay gẫy khúc, đứt đoạn thể hiện sự chuyển động khéo hay không khéo của ngón tay, cổ tay, cánh tay sẽ thể hiện em bé có chăm chỉ vận động tinh và vận động thô hay không. Với những em bé này các nhà giáo giao cho thật nhiều các hoạt động làm bếp, chăm sóc môi trường, làm vườn để em bé có cơ hội rèn luyện vận động.

Nét vẽ của em bé đậm hay nhạt thể hiện em bé có khỏe mạnh hay không. Những em bé có trương lực cơ tốt sẽ vẽ đậm đều nét. Những em bé vẽ mờ, nhạt, đứt nét là do trương lực cơ yếu cần được leo trèo, đu xà, nâng, vác, bê … tăng cường vận động thô tăng trương lực cơ. Em bé cũng cần rèn luyện ý chí mạnh mẽ, rõ ràng, dứt khoát không vòng vo, không mồm miệng đỡ chân tay mà phải thực sự lao động với đôi tay của mình.

Em bé vẽ trong tờ giấy hay vẽ ra ngoài tờ giấy thể hiện khả năng quan sát, nhận thức, xác định được biên giới và khả năng điều khiển mình để luôn ở trong biên giới hay không? Các em cần học lặp đi lặp lại các bài học về nội quy, biên giới, về giới hạn của mọi thứ xung quanh mình. Em bé cũng cần học để lấy lại khả năng quan sát bằng tất cả các giác quan em đã có từ khi mới sinh ra nhưng bị người lớn và môi trường xung quanh làm em đánh mất.

Em bé vẽ nội dung gì thể hiện thông tin em bé được tiếp cận và để lại ấn tượng mạnh về điều đó. Một em bé luôn vẽ các nhân vật hoạt hình cho thấy em bé được xem ti vi và thích thế giới em được xem hơn thế giới thực em đang sống. Em bé đó cần được thả vào môi trường thân thiện với tự nhiên tìm lại kết nối với cuộc sống thực chậm rãi, ít thay đổi để em học trân trọng cuộc sống thực và những con người có thực đang hàng ngày hiện hữu bên em hơn là bấu víu tìm nguồn vui từ những điều không có thực.

Một em bé hay vẽ bạo lực thể hiện xu hướng bạo lực và cách hành xử bạo lực trong tính cách. Người lớn cần kiểm soát tất cả các thông tin em bé tiếp cận được. Children see, children do. Em bé làm điều em bé nhìn thấy. Người lớn không được giới thiệu điều mình không muốn em bé làm rồi bảo con không được làm thế. Người lớn càng không được cãi nhau, cư xử bạo lực với nhau trước mặt con hay với con.

Một em bé hay vẽ những điều nguy hiểm là em bé đang cầu cứu vì em không cảm thấy yên tâm. Người lớn cần kiểm soát cảm xúc của mình để em bé không cảm thấy lo lắng. Càng không được dọa con hay nói về những điều con không thể kiểm soát được. Hãy tập trung vào những điều tích cực. Hướng dẫn con kỹ năng để xử lý các tình huống nguy hiểm thay vì lo lắng cho con.

Một em bé thích vẽ gia đình mình với bố mẹ và mình đứng ở giữa nắm tay nhau là em bé cảm thấy an toàn, hạnh phúc trong gia đình đó. Nếu em bé không nắm tay hay bố/mẹ được vẽ ở xa nghĩa là em bé đang cảm thấy xa cách chính bố/mẹ mình.

Một em bé bắt đầu nhưng không kết thúc tác phẩm của mình cho thấy em bé không có khả năng tập trung do công việc của em luôn bị người lớn xung quanh làm gián đoạn dẫn đến em bé có hành vi bỏ dở. Em cũng là người bị can thiệp quá nhiều bởi người lớn nên chẳng cần hoàn thành cũng sẽ nhận được kết quả. Em bé này cần được giảm tải sự can thiệp của người lớn. Có yêu cầu rõ ràng là con bắt đầu con sẽ hoàn thành tác phẩm của mình mới được bắt đầu công việc mới.

Một em bé tạo ra được một tác phẩm có nhiều chi tiết, bố cục lớn là một em bé có khả năng quan sát bao quát tổng thể, có sự quan sát chi tiết, có khả năng hiện thực hóa mong muốn của mình, có khả năng tập trung cao là một em bé đã được nuôi dạy và trợ giúp đúng cách.

Vậy nên độ tuổi mầm non không phải là độ tuổi đi học vẽ cho biết, Nếu con bạn có năng khiếu hội họa đặc biệt thì bạn nên tìm một họa sỹ giỏi, xin thầy cho con được đến xưởng vẽ của thầy để theo học để nuôi dưỡng tài năng của con như những thợ cả/nghệ nhân ngày xưa nhận người học việc.

Nếu con bạn không có năng khiếu bẩm sinh, hãy giữ nguyên tấm gương phản chiếu tiềm thức của con để thông qua các bài vẽ, các hoạt động nghệ thuật bạn hiểu con mình hơn và điều chỉnh chính mình và giúp con vượt qua các bất an, trao cho con đủ những điều con cần để giúp con luôn được là mình và cảm thấy an toàn, tự tin, hạnh phúc và quan trọng trong gia đình.

Nghệ thuật là một ngôn ngữ mà tất cả chúng ta mong muốn tạo ra một thứ mới lạ, độc đáo, thể hiện tính cá nhân của mình chứ không phải là thợ sao chép phong cách hay tác phẩm của người khác. Lịch sử, các viện bảo tàng, các bộ sưu tập không có chỗ cho những tác phẩm sao chép sự sáng tạo. Đừng bao giờ để người khác phá vỡ hay ảnh hưởng lên con mắt nhìn thế giới của độ tuổi 0-6 và sự đặc biệt con bạn có trong độ tuổi này khi liên quan đến sự sáng tạo.

Hãy để con bạn được là mình và tạo phong cách riêng của chính mình trong độ tuổi 0-6! Thế giới trong con mắt trẻ 0-6 thực sự vô cùng đẹp!

 

B2B-Back to Basics Montessori

Tin Bài Mới