Khi các cuộc xâm lấn văn hóa ào ào diễn ra qua âm nhạc, qua phim ảnh, qua sách báo, qua các chương trình học, qua các tập đoàn, qua sự thiếu hiểu biết về các sự kiện một cách tận gốc rễ chúng ta cũng có cả xâm lấn về tôn giáo mà chính mỗi chúng ta không hề biết và làm theo máy móc vì thích nó Tây Tây một chút.
Halloween là một sự kiện của tôn giáo mà người Việt không theo, cũng không tin, thế nhưng giờ đây một cô giáo chia sẻ với tôi rằng con mình sợ khóc thét vì trang trí Halloween ở trường mầm non của bé.
Thêm một sự kiện là thêm tiền phải tiêu lấy từ túi phụ huynh.
Thêm một sự kiện là thêm thời gian làm ngoài giờ của các cô giáo vốn đã rất dài mỗi ngày.
Thêm một sự kiện là thêm một kỳ vọng đến từ phía phụ huynh, trường này làm hay thế mà sao trường con mình lại không làm?
Thêm một sự kiện là thêm một kỳ vọng của trẻ con chờ người khác làm trò vui cho mình.
Thêm một sự kiện là thêm một dịp hướng ra ngoài thay vì nhìn vào bên trong.
Ấy vậy mà trường nào cũng đua nhau làm hụt hơi để chiều trẻ, chiều phụ huynh mà kết quả là trẻ thì khóc thét, trẻ thì mơ ác mộng, sự xâm chiếm văn hóa cũng như các giá trị tôn giáo thấm sâu vào từng tâm hồn trẻ Việt thay cho những giá trị Việt cần gìn giữ.
Trước khi làm lễ hội Halloween hay tham gia vào lễ hội Halloween các bố mẹ hãy hỏi xem mục đích của lễ hội đó là gì?
Halloween có dậy được điều gì tích cực cho con mình hay không?
Các bố mẹ có thể trả lời con rõ ràng là có ma hay không có ma?
Hình ảnh ma quỷ có nên xuất hiện trong tâm hồn non nớt của một em bé 0-6 hay không?
Tâm trí con mình có đủ mạnh mẽ để chống lại được những hình ảnh đáng sợ đó không?
Mình có biết chuyện gì xảy ra trong giấc ngủ của con sau một đêm đi chơi Halloween hay vô tình nhìn thấy các hình ảnh hóa trang của mọi người hay không?
Nếu tất cả đều là không thì đừng làm.
Ở B2B – Back to Basics Education chúng tôi làm LỄ HỘI THU HOẠCH cuối tháng 10, sẽ có lúa chín, sẽ có cây trái, sẽ có các quả tượng trưng cho các vụ mùa thu hoạch cuối mùa thu. Mùa thu là mùa thu hoạch mà.
Mùa thu hoạch là để nhắc nhở mọi người muốn có cái gì mà thu hoạch thì phải biết gieo trồng từ mùa xuân, và nếu cả năm đã làm việc thì dù đông đến cũng sẽ không lo lắng.
Việc này cũng tương tự như chăm sóc một em bé, một hạt giống gieo xuống phải cần thời gian mới ra thành quả để thu hoạch, ăn xổi ở thì, nóng vội đều hỏng chuyện vì hoặc là quả xanh, hoặc là hạt lép mà thôi. Điều tưởng như vô cùng đơn giản đó lại vô cùng khó để tập cho một em bé, tập cho một con người. Biết gieo hạt mầm, biết chăm sóc, biết kiên nhẫn chờ đợi, biết rằng mọi việc đều cần thời gian.
Các em bé sẽ học cách nhìn lại chính mình, nhận ra vụ mùa của mình bằng những câu chuyện như. Ngày trước con chạy hết 30 giây giờ con chạy hết có 25 giây thôi đấy….. để nhận ra mình đã thực sự trưởng thành hơn sau mỗi mùa thu.
Mỗi ngày có 4 mùa thì sáng sớm khi bình minh sang, tiết trời êm dịu phù hợp để nuôi dưỡng một hạt mầm nhỏ, đến hạt mưa cũng lất phất không làm tổn thương cây lá non.
Mùa hè chính là buổi trưa, nắng chói lọi, rực rỡ, đỉnh điểm của sự sống đã vàng là vàng rực, đã xanh là xanh ngăn ngắt, đã mưa là mưa rào rào tắm cho lá sạch bụi đường để quang hợp và lớn và vươn lên cao hết sức mình.
Mùa thu chính là buổi chiều, đường bắt đầu dốc xuống, chậm dần lại, thu hết sức mình biến nắng vàng, biến mưa giông, biến tình yêu đất mẹ trở thành quả cho đời vị ngọt hơn, ngon hơn, thơm hơn, mềm hơn.
Khi ánh mặt trời tắt nắng, đêm xuống là đông sang, đến giờ ngủ đông chứ không phải là giờ gieo trồng hạt giống mới. Giờ nghỉ ngơi, giờ tái tạo, giờ ấp ủ, giờ dưỡng giấc không phải giờ đi gieo hạt mà các bố mẹ cứ bò ra để gieo hạt tiếng Anh, hạt toán tính nhẩm, hạt vân vân hạt chín giờ đêm con mới về đến nhà. Gieo hạt vào mùa đông thì lấy đâu ra THIÊN THỜI – ĐỊA LỢI – NHÂN HÒA mà làm và hy vọng thành công? Mùa đông quá khắc nghiệt để bắt đầu một sự sống mới.
Cuối mùa thu cũng là mùa tỉa cành chống bão, cái gì thừa thãi, cái gì không còn phù hợp ta chặt bỏ đi để đông về không còn sợ sẽ bật gốc đổ xuống. Học sinh cũng qua đó mà học cách thay đổi, cách thích nghi để tồn tại và vươn lên vượt qua chính bản ngã của mình. Học sinh mầm non ở B2B đã bắt đầu biết nói những câu như “Em đừng cư xử thế kẻo chẳng ai muốn học cùng em đâu.”, “Em đừng làm đau mọi người kẻo sau này sẽ có rất nhiều người làm đau em đấy.”, “Lao động để có cái ăn.”
Mỗi em bé đều học tập trung vào chính mình, không đổ lỗi cho người khác, không chờ đợi, không mong ngóng nhiều mà tự mình biết tập trung vào chính mình như bài học của đất trời, tối giản bớt, ngủ đông, sang xuân mới là thời điểm để lại bắt đầu một chu trình mới với những hạt mầm mới.
Để có một vụ mùa bội thu là rất nhiều công sức đổ ra suốt cả một năm dài. nếu ông trời không thuận bão táp, lụt lội mùa màng còn thất bát chứ nói gì đến không gieo. Ở B2B, Halloween được thay thế bằng LỄ HỘI THU HOẠCH với những ý nghĩa sâu sắc là vậy.
Sao bạn không thử đưa các em bé đi thăm cánh đồng, trang trại hoặc quan sát vườn cây, chậu cảnh trên ban công, trên tầng thượng để học về vụ thu hoạch và dạy các em bé về ý nghĩa thực sự của MÙA THU và MÙA THU HOẠCH?
Quan trọng nhất là hãy hướng dẫn con mình thu thập hạt giống, giữ gìn thật kỹ báu vật, chọn đúng thời điểm mùa xuân năm sau để gieo hạt, chăm sóc suốt một năm trời để đến mùa thu năm sau được là người đi thu hoạch. Mình gieo thì mình mới là người được đi thu hoạch – Bài học đó phải được dậy và được học từ khi mới chào đời.
CHÚC CÁC BẠN TẬN HƯỞNG VỤ MÙA THU HOẠCH CỦA MÌNH MỸ MÃN NHƯ KẾ HOẠCH TỪ ĐẦU XUÂN.
B2B – Back to Basics Montessori